Jaquet Droz: Từ bộ tam kiệt tác tới tiếng chim hót đoạt giải Oscars của ngành đồng hồ!
Jaquet Droz: Bộ tam kiệt tác
Trong hệ thống di sản khổng lồ Thiết kế trường tồn và nổi bật nhất trong lịch sử Jaquet Droz phải kể đến bộ ba sáng tạo đã khẳng định vị thế thống trị của thương hiệu tại Châu Âu vào nửa cuối thế kỉ 18. Cho tới nay, ba cỗ thiết kế này đã có 240 năm tuổi, gồm cỗ máy The Writer (số lượng giới hạn 6000 chiếc), The Musician (2500 chiếc) và The Draughtsman (2000 chiếc).
Điểm độc đáo của các thiết kế này là từ các kiến thức cơ học siêu chính xác và sự vận chuyển của các bánh răng, Jaquet Droz đã tạo ra những robot có thể cử động. Trong đó, nếu The Musician của Jaquet Droz là một nữ nhạc công “robot” chơi organ xinh đẹp, sống động với các cử chỉ tinh tế và phức tạp. Mỗi nốt nhạc là cộng hưởng từ ngón tay cô trên bàn phím. The Draughtsman của Jaquet Droz lại là một cậu bé đang vẽ bằng bút chì và có thể khắc họa được các bức tranh khác nhau. Cơ chế automaton của cỗ máy này hoạt động dựa trên hệ thống code ghi lại cử động của bàn tay theo hai hướng, và một bộ nhớ để nâng chiếc bút lên xuống.
Tuy nhiên trong ba kiệt tác này của nhà Jaquet Droz, The Writer mới thực sự là cỗ máy phức tạp nhất và được ca tụng là một trong những phiên bản sơ khai nhất của máy đánh chữ và máy tính của thế giới hiện đại. Cỗ máy này được cấu thành từ hơn 600 chi tiết ẩn mình trong hình hài một cậu bé đang viết bút máy lông ngỗng trên giấy. Cậu bé robot này của Jaquet Droz có thể viết được40 chữ hoặc các biểu tượng trên nền giấy một cách trơn tru và mượt mà. Các cử động tinh tế và siêu phức tạp như cử động của cổ tay trong mỗi lần chấm mực, lắc cổ tay để tránh mực bị trào ra quá nhiều cho thấy sự hoàn hảo trong từng chi tiết không chỉ là kim chỉ nam mà còn là nỗi ám ảnh của gia đình nhà Jaquet Droz. Ánh mắt của cậu bé The Writer dõi theo từng nét chữ được viết ra, đầu nghiêng theo từng cử động mỗi khi chấm mực. Tác phẩm này của Jaquet-Droz chính là niềm cảm hứng cho Charles Babbage – nhà toán học và sáng chế người Anh thiên tài, người sau đó đã có nhiều phát minh, giúp đặt nền móng đầu tiên cho những chiếc máy tính hiện đại. Đây chính là lý do giải thích tại sao cỗ máy The Writer của Jaquet Droz được xếp vào hàng đỉnh cao của nghệ thuật cơ khí trong lịch sử nhân loại và luôn được xem là chén thánh của các nhà sưu tập.
Các cỗ máy sáng tạo của Jaquet Droz đã lưu lạc trong thế giới thượng lưu Châu Âu, Nga và cả Trung Quốc trong suốt 240 năm. Đến năm 1906, Hội đồng lịch sử và khảo cổ Thuỵ Sĩ đã đấu giá thành công bộ ba kiệt tác Jaquet Droz Automata trị giá 75,000 đồng Francs vàng vào thời bấy giờ. Các tác phẩm sau đó đã được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật và Lịch sử Neuchatel. Sau nhiều biến cố thăng trầm, thương hiệu Jaque-Droz cuối cùng thuộc về tập đoàn Swatch – vị đại gia của làng đồng hồ Thuỵ Sĩ vào năm 2000.
Định vị Jaquet Droz trong nhóm những thương hiệu uy tín và xa xỉ nhất thuộc sở hữu, ngài Marc A. Hayek chủ tịch tập đoàn Swatch đã tự đặt mình vào mục tiêu kế thừa tinh thần tìm kiếm sự hoàn hảo, cảm xúc nghệ thuật và giá trị thi ca trong những sáng tạo sau này của thương hiệu. Thương hiệu ngày nay nổi tiếng với những kiệt tác đồng hồ nghệ thuật, điển hình như cỗ The Bird Repeater sở hữu chức năng điểm chuông siêu phức tạp, kĩ nghệ automaton với nhiều hoạt cảnh tinh tế của gia đình chim cũng như các kĩ tiểu hoạ, tạo hoạ tiết trang trí hay chạm khắc vàng. Cỗ máy The Charming Bird của Jaquet Droz thậm chí đã đoạt giải Oscars của ngành đồng hồ là giải GPHG – một giải thưởng chỉ dành cho những ý tưởng đột phá thực sự trong thế giới của những cỗ máy đồng hồ cơ khí cao cấp.