Cảm hứng vintage: Tái hiện vẻ đẹp của những cột mốc thời gian
Những tín đồ của những cỗ máy vi diệu nơi cổ tay, đây là lúc các bạn cùng chúng tôi đếm phước lành và xem xét những biểu tượng đồng hồ kinh điển đã được nhấn nút F5 về thiết kế nhưng vẫn giữ được tinh thần của nó.
Zenith Pilot Montre D’Aeronef Type 20 Extra Special
Các nhà thiết kế đồng hồ có rất nhiều cách để lấy cảm hứng từ ngành hàng không, chẳng hạn như tạo ra những chiếc đồng hồ với phong cách thiết kế có nhiều điểm tương đồng với thiết kế của các thiết bị bay. Zenith là một trong số ít những thương hiệu có thể tự hào vì đã làm được điều đó, những chiếc đồng hồ của hãng rất được các phi công ưa chuộng sử dụng trong thời gian từ năm 1910 đến năm 1960. Đây chính là những thập kỷ quan trọng của ngành hàng không, bắt đầu từ buổi bình minh của các chuyến bay động cơ, qua hai cuộc chiến tranh thế giới, cho đến sự phát triển của công nghệ phản lực. Hiện nay, Zenith quyết định hướng về “cội nguồn” của hãng trong lĩnh vực chế tác đồng hồ vintage, cụ thể là với di sản hàng không của mình khi họ cho ra mắt ba mẫu đồng hồ phi công vào năm 2012.
Zenith Pilot Montre D’Aeronef Type 20 Extra Special
Trong 03 mẫu đồng hồ này, Type 20 là một sự kết hợp hoàn hảo của thiết bị đồng hồ cổ điển trong buồng lái máy bay mà Zenith từng là nhà cung cấp và chiếc đồng hồ mà Louis Charles Joseph Blériot từng đeo trên cổ tay khi ông là người đầu tiên vượt qua Eo biển Anh trên một chiếc máy bay nặng-hơn-không khí vào năm 1909. Chiếc Type 20 cho tới nay đã trở một bộ sưu tập đa dạng, với rất nhiều mẫu và các chức năng khác nhau như giờ GMT, annual calendar (lịch năm), tourbillon, và thậm chí là có cả các phiên bản dành cho phái yếu. Tất nhiên đó vẫn chưa kể đến các phiên bản đặc biệt với các chi tiết được chạm khắc thủ công, hoặc những phiên bản có mặt số skeleton (xuyên thấu), hay những phiên bản có mặt số được thực hiện với chất liệu enamel hoặc mảnh thiên thạch. Nhưng sản phẩm đáng chú ý hơn cả trong số này là chiếc Type 20 Extra Special bằng đồng đỏ được ra mắt vào năm 2015.
Để bộ sưu tập “thân thiện” hơn, Zenith trước đó đã giới thiệu mẫu Type 20 Extra Special phiên bản thép, vào năm 2014. Tuy nhiên, với một mức giá thấp hơn, hãng buộc phải sử dụng máy đồng hồ được thực hiện bởi một bên thứ ba (Sellita). Điều này không có gì đáng trách, những một bộ chuyển động đến từ phía thứ ba đối với một nhà tiên phong trong chế tạo và sản xuất những bộ máy đồng hồ như Zenith là điều khó chấp nhận. Bởi vậy, phiên bản bằng đồng đỏ được giới thiệu vào năm 2015 được trang bị với một bộ máy in-house movement (máy do hãng chế tạo).
Nếu xét về mặt màu sắc và cách nó biến đổi theo thời gian, đồng đỏ sở hữu một đặc tính, sự quyến rũ và một phong cách nổi bật mà không cần sử dụng chất liệu quý hiếm. Tuy nhiên, cần nói là đồng đỏ cũng có những nhược điểm riêng của nó khi nó bị ăn mòn bởi clorua, khiến cho kim loại bị chuyển sang màu xanh lá. Trong các nguyên nhân thì nước muối là nguyên nhân số một và không ai có thể không đổ mồ hôi tay (vấn đề chỉ là ít hay nhiều). Nhưng cùng lúc, những món đồ từ đồng đỏ đã tồn tại hàng ngàn năm nay, có lẽ từ tận 5-7 thiên niên kỷ trước Công nguyên và cho tới nay đồng đỏ vẫn được sử dụng để làm chân vịt cho tàu thủy! Cuối cùng, cũng phải nói, nếu xét tới danh sách những chiếc đồng hồ đồng đỏ từ các thương hiệu uy tín, Type 20 có mức giá thực sự rất hấp dẫn, thậm chí là chỉ bằng ½ giá của một sản phẩm của thương hiệu khác. Hãng cũng rất tinh tế khi đưa titan vào mặt sau của đồng hồ vị trí thường tiếp xúc với da tay của người.
IWC Big Pilot’s Heritage Watch
Những chiếc đồng hồ Vintage Pilot được coi là huyền thoại một phần là bởi phi công ngày này – trong thời đại của GPS, máy ra-đa, và máy bay tự lái – không dựa vào đồng hồ nhiều như các tiền bối của họ, những người phải phụ thuộc vào đồng hồ để có thể thu được các thông tin căn bản như vị trí, và nhiên liệu còn bao nhiêu. Vì thế, một chiếc đồng hồ của phi công phải thật chính xác, và đủ bền bỉ để có thể hoạt động trong môi trường trên không, và phải có khả năng đối mặt với các thay đổi bất ngờ về nhiệt độ và áp suất từ những cú lượn gấp và cả lực từ trường sản sinh ra từ các thiết bị máy bay. IWC từ lâu đã được đánh giá cao trong lĩnh vực sản xuất đồng hồ phi công. Trong nhiều năm họ luôn là đơn vị thực hiện đồng hồ cho các lực lượng quân đội hàng không ưu việt, bao gồm cả lực lượng không quân Luftwaffe vào những năm 1940, và lực lượng UK Royal Air Force của Anh Quốc trong gian đoạn sau chiến tranh.
IWC Big Pilot’s Heritage Watch
Trong năm 2016, IWC đã làm mới bộ sưu tập đồng hồ phi công của mình, với sản phẩm đặc biệt nhất là chiếc Big Pilot’s Heritage với vỏ đồng hồ có kích thước ấn tượng lên tới 55mm, tương đương với kích thước của phiên bản năm 1940 – một chiếc đồng hồ đáng nhẽ đeo trên đùi chứ không phải đeo trên cổ tay. Không giống như bản gốc, IWC có vỏ titan được xử lý phun cát, giảm 18% trọng lượng, xuống còn 150g. Với số lượng giới hạn chế tác 100 chiếc, mẫu đồng hồ chính là sự tái hiện của lịch sử. Hãng cũng giới thiệu một phiên bản thân thiện với cổ tay hơn, có kích thước 48mm. Phiên bản này cũng có bộ máy chuyển động “dài hơi” hơn phiên bản 55mm (khả năng dự trữ năng lượng lên tới tám ngày, so với mức 46 giờ của mẫu 55mm). Cả hai đều có mặt vỏ bên trong bằng sắt dẻo để bảo vệ bộ chuyển động khỏi ảnh hưởng của từ trường, IWC đã tìm cách tạo ra được một “cửa sổ” tinh thể thủy tinh ở mặt vỏ sau của phiên bản 48mm. Đúng là không hổ danh vật trang sức của những anh hùng!
Montblanc 1858 Chronograph Tachymeter
Tại sao những sản phẩm có cảm hứng tới từ phong cách vintage lại đang rất được ưa chuộng? Đó có thể chỉ đơn thuần là vấn đề thuộc về yếu tố thẩm mỹ? Điều này có thể đúng đối với một số người. Và chỉ cần từng đó là đủ. Nhưng đối với số khác, nó là cách thức hoạt động, và rằng cùng với sự phát triển, chúng ta đã tự thỏa hiệp và đánh đổi vẻ đẹp, sự tinh tế, và những ý nghĩa cao cả để đổi lại tính thực tế và sự tiện dụng. Để cân bằng lại điều đó, Montblanc đã mua lại xưởng sản xuất đồng hồ Minerva vào năm 2006. Được thành lập vào năm 1858, xưởng sản xuất Minerva nổi tiếng với những bộ máy (bộ chuyển động) thủ công tuyệt đẹp, được thực hiện thủ công. Kể từ khi được mua lại, không chỉ Minerva mà cả Montblanc cũng được lợi khi những bộ sưu tập đồng hồ của hãng (Montblanc) phong phú hơn với những lựa chọn từ những mẫu với các tính năng cao cấp và phức tạp cho tới những mẫu có mức giá vừa phải và không giới hạn về số lượng chế tác. Mẫu chronograph 1858, với số lượng giới hạn chế tác là 100 chiếc, chính là một sản phẩm của truyền thống, thấm nhuần các giá trị cổ điển từ trong ra ngoài.
Montblanc 1858 Chronograph Tachymeter
Bề mặt của đồng hồ được bố trí theo kiểu bi-compax với hai mặt số phụ; chữ số Ả Rập phát sáng với kim chỉ giờ có thiết kế mũi nhọn hình chóp nhà thờ cathedral cổ kính tối ưu hóa khả năng xem giờ. Ký hiệu hiển thị giờ kiểu đường ray truyền thống hiển thị sự chia đoạn thời gian chính xác nhất. Với thiết kế này, cặp nút bấm chronograph sẽ là lựa chọn phù hợp, nhưng hãng đã tiến một bước xa hơn trong việc kết hợp cặp nút bấm này trong một nút điều chỉnh tích hợp dạng núm vặn mang lại cho mẫu đồng hồ một thiết kế hoàn hảo. Với mẫu đồng hồ này, hãng cũng quay lại với thiết kế logo cũ để phù hợp với tính thẩm mỹ toàn diện của mẫu đồng hồ.
Tuy nhiên những người theo chủ nghĩa truyền thống có thể sẽ phản đối kích cỡ của chiếc 1858: khá khủng với đường kính lên tới 44mm, trái ngược hẳn với “bộ gene” thiết kế vintage. Nhưng điều tích cực của thiết kế là nó có chỗ cho bộ chuyển động lớn hơn, MB M16.29. Bộ chuyển động được trang trí tinh xảo, lên dây cót bằng tay và có cảm hứng tới từ một bộ chuyển động Minerva có từ năm 1929. Các chi tiết của đồng hồ như column wheel hay swan neck regulator và một chi tiết mang dấu ấn đặc trưng của Minerva, chiếc búa chronograph có hình dạng như đuôi của quỷ sứ, tất cả tinh hoa của ngành chế tác đồng hồ cổ điển đều được quy tụ trong mẫu đồng hồ này.
Jaeger-LeCoultre Geophysic 1958
Có cách nào để nhớ về cuộc Chiến tranh lạnh tốt hơn một chiếc đồng hồ ghi lại một giai đoạn khá kì quặc của thế giới khi các quốc gia cùng nhau chạy đua vũ trang bởi những chia rẽ về hệ tư tưởng, trong khi bản chất của cuộc chạy đua này vì những cái cớ chẳng khác gì chuyện đôi tình nhân cũ trở mặt với nhau chỉ vì một bình sữa hỏng. Tuy nhiên, chính trong giai đoạn này, nhân loại đã có những bước tiến vượt bậc về công nghệ và khoa học, đặc biệt là công nghệ thám hiểm vũ trụ và trái đất. Trong đó, phải kể tới dự án Năm Vật Lý Địa cầu Quốc tế (IGY) kéo dài từ mùng 01/07/1957 đến 31/12/1958. Trong dự án này, 67 quốc gia đã cùng nhau hợp tác và thực hiện các dự án khoa học và thám hiểm trái đất. Liên Xô đã khiến Mỹ thực sự bất ngờ với việc phóng thành công tàu vũ trụ Sputnik 1 trong tháng 10/1957. Tháng 08/1958, Mỹ đáp trả lại bằng việc ra mắt chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên trên thế giới USS Nautilus, khởi hành từ Hawaii băng qua Bắc Cực, và nổi lên ở Đại Tây Dương, phía Bắc của Greenland, khu vực có thể xem như sân sau của Liên bang Xô Viết. Nếu không xét về tính hợp tác toàn cầu, thì đây đơn giản chỉ là đưa đối thủ của mình vào tầm ngắm của những đợt công kích bằng vũ khí nguyên tử.
Jaeger-LeCoultre Geophysic 1958
Đóng góp của Jaeger-LeCoultre cho dự án IGY là chiếc Geophysic, chiếc đồng hồ hoàn hảo nhất mà hãng có thể đưa ra vào thời điểm đó, rất phù hợp với độ chính xác, tin cậy và bền bỉ cần thiết cho thám hiểm khoa học. Với dây chuyền sản xuất kéo dài trong vòng một năm, chỉ hơn 1.000 sản phẩm bằng thép và 30 sản phẩm bằng vàng không gỉ được chế tạo. Năm 2014, nhà sản xuất đã “tái bản” lại chiếc Geophysic, với vỏ (case) lớn hơn một chút (38.5mm so với 35mm). Đồng hồ chạy máy tự động lên dây cót hiện đại thay cho bộ chuyển động lên dây cót thủ công, và đạt chứng nhận 1.000 giờ kiểm tra chất lượng do chính JLC. Chứng nhận này còn cao hơn so với chứng nhận tiêu chuẩn COSC mà phiên bản gốc nhận được. Có vẻ một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đang âm ỉ hình thành; và đây là thời điểm tốt cho một chiếc Geophysic mới, với ba phiên bản và hai thiết kế mặt số khác nhau.
Vacheron Constantin Historiques Cornes de Vache 1955
Vacheron Constantin cho ra mắt một mẫu đồng hồ chronograph phong cách vintage với một thiết kế đại trà dễ nhận biết, với hai mặt số phụ trên mặt số đồng hồ tráng bạc. Rất nhiều hãng khác cũng có sản phẩm như thế này. Nhưng tai đồng hồ thì khác!Tròn, dáng vẻ khêu gợi và sắc nhọn; với một chiếc đồng hồ phong cách cổ điển, thì những chi tiết này rất kì lạ, nếu không nói quá là lập dị. Nhưng cũng chỉ cần nhìn vào tai/quai đồng hồ là ta có thể nhận ra nó là “Cornes de Vache” của Vacheron. Từ đó có nghĩa là sừng của con bò. Đây là một sản phẩm kế thừa tinh thần của chiếc Ref. 6087 năm 1955. Kể cả vào thời điểm đó, dường như Vacheron Constantin đã sở hữu khiếu hài hước. Chúng ta thường nghĩ đến một con vật hung tợn khi nhắc đến bò tót (những con bò đực), với sự giận dữ, sức khỏe và thị trường chứng khoán khi giá lên liên tục. Nhưng bò sữa (bò cái) thì chỉ cho bơ. Trong khi đó, trong tiếng Thụy Sỹ, bò đực là “taureau”, chứ không phải “vache” nên lối chơi chữ với ý nghĩa hay ho sẽ không còn. Nhưng có lẽ chỉ có Vacheron mới có ý tưởng đưa bò cái, bò sữa (vache) vào những thiết kế đồng hồ nam của mình!
Vacheron Constantin Historiques Cornes de Vache 1955
Điều thú vị là Vacheron đã thành công trong việc này, bởi hãng không chỉ đưa ra một kiểu chơi chữ đơn thuần. Mẫu Ref. 6087 là chiếc đồng hồ chronograph đầu tiên của công ty có khả năng chống thấm nước và chống từ, được trang bị vỏ sau gắn ốc vít và mặt trong của vỏ đồng hồ được thực hiện bằng chất liệu sắt dẻo. Nó cũng nằm trong số những mẫu chronograph quý hiếm nhất của Vacheron Constantin – chỉ 36 chiếc từng được tạo tác. Trong số này có 26 chiếc bằng vàng ròng, 8 chiếc bằng vàng hồng (được thực hiện và giới thiệu từ năm 1955 cho đến giữa thập niên 60); 02 chiếc cuối bằng bạch kim được giới thiệu vào những năm 1990 cũng có cùng số hiệu tham khảo (reference) và bộ chuyển động với 34 mẫu trên chỉ có điều là không có thiết kế tai đồng hồ hình sừng bò. Ref. 6078 cũng là mẫu chronograph cuối cùng của nhà sản xuất cho đến năm 1989.
Với cái tên, hình dạng và vị trí quan trọng trong lịch sử của hãng, mẫu Historiques “Cornes de Vache 1955” là một đề xuất hấp dẫn, còn chưa kể đến cả việc nó được tạo tác đẹp như thế nào.